Trang thông tin điện tử

Xã Nghĩa Dũng

Đảng ủy, HĐND, UBND,UBMTTQ Việt Nam phường đi thăm các trường học trên địa bàn phường nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TIỂU SỬ TÓM TẤT DI TÍCH LỊCH SỬ BỐN DŨNG SĨ NGHĨA DŨNG, XÃ NHĨA DŨNG, THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

1. TÊN GỌI:  Di tích Bốn dũng sĩ Nghĩa Dũng

Tên gọi di tích Bốn dũng sĩ Nghĩa Dũng được gọi theo tên gọi do nhân dân địa phương đặt nhằm tưởng nhớ đến chiến công của bốn đồng chí Nguyễn Xuân Mai (bí danh An), Nguyễn Ngọc Châu (bí danh Sâm), Nguyễn Tuấn và Nguyễn Của (bí danh Quyết) đã chiến đấu một cách ngoan cường với một đại đội Bảo an của địch vào ngày 17/8/1963.

2. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ DI TÍCH:

 Di tích Bốn dũng sĩ Nghĩa Dũng tọa lạc tại nhà ông Tạ Thành thuộc thôn 5 (làng Vạn Tượng), xã Nghĩa Dõng, thị xã Quảng Ngãi nay là thôn 4, xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 7,4km về phía Đông.

Khách tham quan có thể sử dụng phương tiện ô tô, xe máy để đến di tích theo hai cách đi như sau:

Cách 1: Từ trung tâm thành phố Quảng Ngãi (Bưu điện tỉnh Quảng Ngãi) đi theo đường Hùng Vương, đường Lê Trung Đình về hướng Đông rồi nhập vào đường Bích Khê đi khoảng 4km đến ngã tư Ba La. Từ ngã tư Ba La du khách rẽ trái theo đường Trần Anh Tông khoảng 3km là đến sân vận động xã Nghĩa Dũng. Từ đây, du khách rẽ phải vào đường liên thôn khoảng 400m là đến di tích.       

Cách 2: Từ trung tâm thành phố Quảng Ngãi (Bưu điện tỉnh Quảng Ngãi), du khách theo đường Phan Đình Phùng đi về hướng Đông khoảng 1km rồi nhập vào đường Trương Quang Trọng đi khoảng 1km là đến bến Tam Thương. Từ đây, du khách vào đường Trường Sa, đi khoảng 4km là đến cống Bà Tú (nút giao thông giữa đường Trường Sa với đường Trần Anh Tông), rồi rẽ phải vào đường Trần Anh Tông, tiếp tục đi 1km là đến sân vận động, xã Nghĩa Dũng. Từ đây, du khách rẽ phải vào đường liên thôn khoảng 400m là đến di tích Tạ Thành, trước từng làm tri huyện Sơn Hà, tại thời điểm 1963 ông Tạ Thành đã mất, ngôi nhà đó, lúc bấy giờ do con trai của ông đang sống là Tạ Vỹ (theo lời kể của ông Mai Lương - đội trưởng đội phía Bắc, 94 tuổi – trú tại TP Quảng Ngãi

 

3. PHÂN LOẠI DI TÍCH

 Di tích Bốn dũng sĩ Nghĩa Dũng thuộc loại di tích lịch sử

4. SỰ KIỆN LỊCH SỬ

4.1. Sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến di tích

Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng, miền Tây Quảng Ngãi cuối năm 1959 và đồng khởi Bến Tre đầu năm 1960, ngày 20/12/2960 Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng cả nước và phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam. Thời kỳ này, Chế độ Mỹ - Diệm rơi vào thời kỳ khủng hoảng liên tiếp. Để đối phó với phong trào cách mạng của nhân dân ta, chúng đã thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc: Mở các cuộc càn quét đánh phá vùng căn cứ kháng chiến, đồng thời tiến hành hàng chục cuộc “Hành quân cảnh sát” tại thị xã và các vùng thị trấn nhằm truy lùng “Việt cộng”, ngăn chặn hành lang giữa thị xã và vùng nông thôn, “Không để dân tiếp tế cho cộng sản” .

Thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” giai đoạn (1961-1965), đế quốc Mỹ tăng cường quân nguỵ, tăng thêm phương tiện chiến tranh để đối phó với chiến tranh du kích.  Đặc biệt, ngày 28/1/1961 đế quốc Mỹ đã thông qua kế hoạch “Chống nổi dậy ở miền Nam Việt Nam” nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Với quốc sách “Ấp chiến lược” chúng hy vọng cứu vãn tình thế. Trong kế hoạch này, Mỹ - Nguỵ chọn tỉnh Quảng Ngãi làm một trong những trọng điểm đánh phá của chúng. Cuối năm 1961, đầu năm 1962 quân ngụy tại huyện Tư Nghĩa có 01 tiểu đoàn của trung đoàn 50 sư đoàn 25, 1 tiểu đoàn pháp 107 ly với 8 khẩu, 01 tiểu đoàn pháo 106 ly với 14 khẩu, 01 tiểu đoàn công binh, 01 đại đội vận tải, 03 đại đội bảo an, 01 đại đội quân cảnh, 01 đại đội biệt kích, 04 tổng đoàn dân vệ và 05 trung đội dân vệ. Tại thị xã có khoảng 150 tên cố vấn Mỹ. Các đơn vị chính quy của ngụy lần lượt được trang bị vũ khí mới như tiểu liên, các bin băng dài, tom xông, ga rân. Địch tập trung sức xây dựng nhiều đồn bót mới dọc trục giao thông ở các cao điểm, địa bàn xung yếu.

Tại Quảng Ngãi, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, một số cơ sở cách mạng được thành lập, niềm tin của nhân dân đối với Đảng càng được củng cố. Phong trào cách mạng trong toàn tỉnh cũng có sự khởi sắc, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ. Năm 1961, huyện ủy lâm thời Tư Nghĩa được thành lập, gồm 6 đồng chí do đồng chí Trần Luận làm Bí thư. Sau khi đồng chí Trần Luận hy sinh, đồng chí Trương Quang Chân tiếp tục làm Bí thư. Tiếp đến đồng chí Trần Tường ở miền Bắc về làm Bí thư thay đồng chí Trương Quang Chân bị thương, đi điều trị.

Quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị (31/1/1961) về xây dựng lực lượng vũ trang, đưa đấu tranh vũ trang song song với đấu tranh chính trị, diệt ác phá kìm, tạo thế cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ, năm 1962 Huyện ủy Tư Nghĩa quyết định thành lập Đội công tác đông Tư Nghĩa, do đồng chí Mai Lương (Tạ Công Hiền) làm đội trưởng. Địa bàn hoạt động của đội công tác là các xã ở phía Đông của huyện Tư Nghĩa, trong đó có địa bàn các thôn 4, 5 (Vạn Tượng) và thôn 6 (Đại Nham). Huyện uỷ huyện Tư nghĩa cũng chỉ đạo chi bộ các xã trong huyện củng cố chi bộ đảng, phát triển phong trào ở cơ sở thôn, xã. Chi bộ Nghĩa Dõng lúc bấy giờ chỉ có 3 đồng chí nhưng với lòng quyết tâm và quả cảm đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch bằng mọi cách: đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, diệt ác phá kèm, thực hiện binh vận (2 chân, ba mũi giáp công), không cho địch gom dân, mở rộng vùng giải phóng.

 Giữa năm 1962, tại nhà đồng chí Nguyễn Hữu Lân, chi bộ xã Nghĩa Dõng được thành lập. Chi bộ gồm các đồng chí Bùi Ba, Nguyễn Hữu Lâm, Cao Xoang do đồng chí Bùi Ba làm Bí thư. Chi bộ xã Nghĩa Dõng tiếp tục là chi bộ Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng ở các thôn 4,5 (Vạn Tượng) và thôn 6 (Đại Nham- Phù Khế). Đến năm 1962, nhờ tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên trung của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phong trào cách mạng ngày càng phát triển rộng khắp các thôn, xóm. Cùng thời gian này, Huyện ủy Tư Nghĩa điều đồng chí Tạ công Hiền - Đội trưởng Đội công tác phía Đôn Tư Nghĩa về lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn. Sau một thời gian, theo chủ trương của Trung ương thì một số đồng chí đi tập kết được trở vào Nam hoạt động, trong đó xã Nghĩa Dũng có thêm 2 đồng chí Nguyễn Của (bí danh là Quyết) và Hùng (chưa rõ họ) tạo điều kiện cho phong trào cách mạng trong xã đi lên. Sau một thời gian hoạt động bí mật, tích cực, các đồng chí Hùng, Quyết đã bí mật bắt liên lạc với các đồng chí ở trong xã như Cao Xoan, Nguyễn Hữu Thí, Bùi Thị Cẩm…góp phần củng cố chi bộ Nghĩa Dõng ngày càng vững mạnh

Như vậy, kể từ khi Mỹ - Diệm thực hiện chính sách “tố cộng” tàn khốc từ năm 1956 – 1962, sau gần 7 năm chi bộ Đảng xã Nghĩa Dõng bị vỡ. Đến nay, chi bộ Đảng xã Nghĩa Dõng được tái lập lại, thúc đẩy phong trào cách mạng trong xã  bước sang một giai đoạn mới.

Đi đôi với công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang, theo chủ trương của Huyện ủy Tư Nghĩa, chi bộ Đảng còn xây dựng căn cứ lõm trong lòng địch, để có thể chủ động đánh, lui, tiến, thủ khi cần thiết. Các đồng chí cán bộ, đảng viên và đội viên đội công tác của xã kiên trì trụ bám địa bàn, tuyên truyền, giáo dục, xây dựng cơ sở mật, thực hiện phương án “ba ba nứt nhánh”, ngăn cách, bí mật, kết hợp vận dùng tình cảm gia đình, vận động người thân trong nhà và bà con họ hàng mình giúp đỡ cách mạng. Nhờ vậy, từ năm 1963 về sau, một số căn cứ lõm được thiết lập trên địa bàn như ở thôn 4 (Vạn Tượng), thôn 6 (Đại Nham, Phù Khế), được các đồng chí của ta gọi là “Nghệ An đỏ” hoặc “vùng Liên Xô” trong lòng địch. Ở những nơi này, ta đã xây dựng được lực lượng an ninh, du kích mật và các tổ chức quần chúng. Ta còn xây dựng các loại hầm bí mật, có hầm cho cán bộ, đảng viên, đội viên đội công tác ẩn nấu (mỗi hầm có thể chứa từ 2-4 người, có ống thông hơi lên kín đáo), hầm chứa vũ khí, gạo mắm, tài liệu, thư từ). Như vậy, với chủ trương đó, đến năm 1963 các cơ sở của ta đã có ở khắp nơi. Để tạo ưu thế cho quần chúng nổi dậy đấu tranh, đội vũ trang xã Nghĩa Dõng với sự hỗ trợ của đội vũ trang huyện Tư Nghĩa đã bí mật tiêu diệt tên ác ôn Túy – mật báo viên của địch ở Nghĩa Dõng.

Trước tình hình đó, Mỹ Ngụy vô cùng hoang mang, lo sợ, tiến hành phản kích, điên cuồng mở rất nhiều cuộc càn quét, xăm hầm nhằm truy bắt lực lượng ta và phá vùng căn cứ cách mạng của nhân dân ta. Ngày 16/8/1963 đội công tác cánh Đông thuộc đội công tác phía Bắc gồm 6 đồng chí: Tạ Công Hiền (bí danh Mai Lương) - đội trưởng: Nguyễn Nhân, Nguyễn Xuân Mai (bí danh An); Nguyễn Của (bí danh Quyết); Nguyễn Sâm (bí danh Châu); Nguyễn Tuấn nhận được tin báo là sáng ngày hôm sau sẽ có địch xăm hầm. Tối hôm đó, sau khi đội công tác họp rút kinh nghiệm và bốn đồng chí: Nguyễn Xuân Mai (bí danh An), Nguyễn Ngọc Châu (bí danh Sâm), Nguyễn Tuấn và Nguyễn Của (bí danh Quyết) được phân công về ẩn náu trong hầm bí mật tại thôn Thiện Mỹ (thôn 6) để chuẩn bị hoạt động. Đây là căn hầm khá kiên cố và đảm bảo bí mật, trên hầm là bụi tre lớn cách sông Trà Khúc khoảng 5 mét.

Vào trưa ngày 17/8/1963, khi đi lùng sục hầm bí mật của ta ở ấp Thiện Mỹ (thôn 6), địch đã phát hiện hầm bí mật của 4 đồng chí là Nguyễn Xuân Mai, Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Tuấn và Nguyễn Của. Do có phương án đánh trả địch từ đầu nên khi bị lộ, các đồng chí đã anh dũng tung nắp hầm, xông lên đánh địch. Bị phản công bất ngờ, địch bỏ chạy. Bốn đồng chí nhanh chóng di chuyển đến thôn 5 nay là thôn 4, lấy ngôi nhà kiên cố của địa chủ Tạ Thành làm công sự, chiến đấu chống lại sự bao vây của địch. Trong tích tắc, bốn đồng chí đã đưa người nhà tri huyện Thành ra ngoài và nhanh chóng triển khai công tác tác chiến, chia làm 4 góc vừa để yểm trợ nhau, vừa tạo cảm giác cho địch là quân ta rất đông để buộc địch phải phân tán lực lượng và có thể cầm cự được lâu.

Sau khi tháo chạy, địch huy động lực lượng gồm quân bảo an, cảnh sát dã chiến cùng dân vệ địa phương bao vây, phát loa gọi hàng nhằm bắt sống các đồng chí của ta. Cuộc chiến đấu giữa bốn đồng chí với lực lượng của địch kéo dài từ 13 giờ trưa đến 18 giờ chiều. Mặc dù, địch dùng súng phóng lựu, súng tiểu liên, trung liên uy hiếp và tấn công nhưng các đồng chí vẫn ngoan cường chiến đấu. Bốn đồng chí đã lợi dùng tường nhà kiên cố, tiết kiệm từng viên đạn, đợi địch tới gần mới nổ súng diệt chúng. Tuy cuộc chiến đấu không cân sức nhưng địch vẫn không thể bắt sống được các đồng chí. Sau gần 6 giờ chiến đấu với lực lượng hơn 1 tiểu đoàn địch, 4 đồng chí đã tiêu diệt được tên đồn trưởng và làm 5 tên khác bị thương. Đến 18 giờ cũng ngày, súng đã hết đạn các đồng chí Mai, Tuấn, Sâm đã đập nát súng, mỗi đồng chí cầm một quả lựu đạn xông thẳng vào đội hình địch, tung lựu đạn tiêu diệt thêm nhiều tên địch và đã anh dũng hi sinh tại chỗ. Đồng chí Quyết bị thương nặng, bị bọn địch bắt đưa về nhà lao Quảng Ngãi chữa chạy, dụ dỗ, mua chuộc nhưng đồng chí đã khước từ mọi sự cứu chữa đó. Cuối cùng, địch đã giết hại đồng chí. Tinh thần chiến đấu và hi sinh anh dũng của 4 đồng chí để lại sự khâm phục và tiếc thương cho nhân dân trên địa bàn cũng như nhân dân các xã phía Đông huyện Tư Nghĩa, làm cho quân thù khiếp sợ, góp phần củng cố phong trào trên địa bàn và tạo niềm tin cho nhân dân.

Bốn đồng chí đã hy sinh nhưng tên tuổi và gương chiến đấu của các anh mãi sáng ngời, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ các lực lượng vũ trang của các huyện ngày càng hăng say, tăng thêm niềm tin trong nhân dân, góp phần củng cố và phát triển phong trào cách mạng của thị xã. Sự hy sinh cao cả của Bốn đồng chí đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của “Đất mẹ Quảng Ngãi kiên cường” và truyền thống vẻ vang của xã Nghĩa Dũng.

Trước tấm gương hy sinh cao cả và cảm phục tinh thần chiến đấu của bốn chiến sỹ, cấp trên đã phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” và bốn chiến sỹ được gọi tên chung là “Dũng sỹ Vạn Tượng

 

Cuộc chiến đấu và hy sinh của bốn chiến sĩ đã nêu cao tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, biết lấy ít đánh nhiều, linh hoạt sáng tạo, làm tiêu hao sinh lực địch, hàng chục tên địch bị chết và bị thương, khiến chúng vô cùng kiếp vía trước sự anh dũng, ngoan cường của cán bộ, chiến sỹ ta. Trận đánh cũng đã cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam trong những năm tháng đánh Mỹ.

Tinh thần chiến đấu, sẵn sàng xả thân vì nước của bốn chiến sĩ đã làm tấm gương cho nhân dân và làm quân thù khiếp sợ góp phần củng cố phong trào cách mạng đang dâng cao ở địa bàn. Tuy có tổn thất, nhưng từ đây, đội công tác của huyện và xã Nghĩa Dõng được mở rộng địa bàn hoạt động, củng cố thế đứng chân trong vùng địch tạm chiếm, xây dựng cơ sở cách mạng, vận động nhân dân đóng góp nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Di tích Bốn dũng sĩ Nghĩa Dũng đã được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ tại Quyết định Số 1881/QĐ-UB ngày 25 tháng 10 năm 1993.

Năm 2016, UBND thành phố Quảng Ngãi đã đầu tư trùng tu lại ngôi nhà chính, xây dựng lại ngôi nhà ngang cùng khuôn viên di tích bao gồm cổng, sân nền, cây xanh, điện chiếu sáng và hồ cá.

Hiện nay, di tích Bốn dũng sĩ Nghĩa Dũng do UBND xã Nghĩa Dũng quản lý và tổ chức các hình thức khai thác phát huy giá trị của di tích phù hợp với yêu cầu của khách tham quan cũng như nhiệm vụ giáo dục truyền thống ở địa phương.

Căn nhà di tích vừa nơi ghi dấu chiến công hiển hách của Bốn dũng sĩ Nghĩa Dũng, vừa là nơi lưu giữ lại công trình nghệ thuật kiến trúc cổ thời Pháp từ thế kỷ 19. Vì vậy, cần đưa học sinh đến tham quan học tập để vừa giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc vừa nghiên cứu kiến trúc cổ Việt Nam vào thế kỷ 19.

Di tích không chỉ là nơi tổ chức lễ hội, phục vụ du lịch mà còn là "địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân, đặc biệt thế hệ trẻ. Do đó, cần triển khai kế hoạch liên ngành "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với học tập và giáo dục lịch sử địa phương thông qua hệ thống di sản văn hóa. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tại di tích cho học sinh về truyền thống lịch sử, cách mạng của địa phương và giá trị các di sản văn hóa, từ đó tham gia vào bảo vệ, phát huy giá trị các di sản. Qua đó, không chỉ khơi dậy niềm tự hào mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong gìn giữ, phát huy, quảng bá những giá trị của di tích.

 

Căn cứ kết quả nghiên cứu được trình bày trong lý lịch di tích này, Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch  trình UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho di tích: Bốn dũng sĩ Nghĩa Dũng, xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi. Ngày 05/12/2022 UBND Tỉnh Quảng ngãi có quyết định số: 1667/QĐ-UBND ngày 05/12/2022 về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Bốn dũng sĩ Nghĩa Dũng, xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi, Tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 27/7/2023. Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nghĩa Dũng đã long trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho di tích: Bốn dũng sĩ Nghĩa Dũng, xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi. Đây là niềm vinh dự và tự hào của nhân dân và cán bộ chiến sĩ xã Nghĩa Dũng nói chung và TP Quảng Ngãi nói riêng